Dân số Nhật Bản giảm năm thứ 14 liên tiếp
Dân số Nhật Bản giảm nửa triệu người trong năm 2024, cho thấy thách thức lớn mà nước này phải đối mặt trong việc giải quyết tình trạng khan hiếm lao động và áp lực tài chính đè nặng lên hệ thống an sinh xã hội khi số người đóng thuế ngày càng giảm.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho hay tổng dân số nước này giảm 550.000 người trong vòng một năm tính đến tháng 10/2024 so với năm trước đó, còn 123,8 triệu người. Đây là năm thứ 14 liên tiếp dân số ở Nhật giảm.
Báo cáo trên một lần nữa phản ánh bức tranh nhân khẩu học ảm đạm của Nhật Bản, làm dấy lên mối lo ngại về sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước này vì số người đóng góp tài chính cho hệ thống ngày càng ít đi. Số người trong độ tuổi 15-64, phần chủ lực của lực lượng lao động, giảm 224.000 người, còn 73,7 triệu người. Lực lượng lao động giảm sút làm căng thăng thêm sức ép tài khóa đối với một quốc gia vốn dĩ đang có tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Dữ liệu thống kê cũng cho thấy số trẻ em ở Nhật giảm 343.000 người còn 13,8 triệu người, chiếm 11,2% tổng dân số - một mức thấp kỷ lục. Sự sụt giảm này được công bố sau khi số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản công bố hồi tháng 2 cho thấy số ca sinh ở nước này lập mức thấp kỷ lục mới, làm gia tăng mối lo ngại về tương lai dài hạn của các ngành công nghiệp trong nước khi nguồn cung lao động mới ngày càng ít đi.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản hiện ở mức 2,4%, thấp nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Theo ước tính của viện nghiên cứu việc làm Recruit Works Institute, đến năm 2040, Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 11 triệu lao động.
Bù lại một phần sự sụt giảm dân số là người quốc tịch Nhật, số dân cư là người có quốc tịch nước ngoài ở Nhật tăng năm thứ ba liên tiếp, với mức tăng 342.000 người so với năm trước.
Diễn biến dân số của Nhật Bản từ năm 1950 đến nay - Nguồn: Bloomberg.
Không riêng gì Nhật Bản, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang đối mặt với vấn đề dân số giảm. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ sinh (fertility rate) lần đầu tiên nhích lên sau 9 năm giảm liên tiếp, nhưng cũng chỉ đạt mức 0,75 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế để đảm bảo dân số đi ngang.
Ở Pháp, tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh tiếp tục trầm trọng thêm trong năm 2023, với tốc độ giảm mạnh nhất trong nửa thế kỷ.
Thống kê chính thức của Đức cho thấy mức sinh ở nước này đã giảm còn 1,35 trẻ/phụ nữ trong năm 2023, thấp hơn so với ngưỡng 1,4 trẻ/phụ nữ mà Liên hiệp quốc định nghĩa là “siêu thấp”. Với mức sinh như vậy, tình trạng suy giảm mức sinh ở Đức đã đạt tới ngưỡng mà giới chuyên gia nhận định là khó có thể đảo ngược.
Ngoài Đức, Estonia và Áo cũng đã chứng kiến mức sinh giảm dưới 1,4 trẻ/phụ nữ, gia nhập cùng 9 quốc gia EU khác, trong đó có Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy, có mức sinh siêu thấp từ năm 2022.
Đối với Trung Quốc, nước đông dân thứ hai thế giới, dân số đã giảm liên tục 3 năm qua. Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố tháng 1/2025 cho thấy dân số Trung Quốc giảm 1,39 triệu người trong năm 2024, còn 1,408 tỷ người, từ mức 1,409 tỷ người trong năm 2023.
Nguồn: TBKTVN