Quay lại

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để ĐBSCL phát triển bền vững

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Lần II năm 2024 được tổ chức tại Đồng Tháp vừa qua một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của kinh tế xanh, giảm phát thải. Đây sẽ là những mục tiêu mà các địa phương trong vùng quan tâm trong chiến lược phát triển thời gian tới.

 

chuyen doi xanh, chuyen doi so la xu the tat yeu de Dbscl phat trien ben vung hinh anh 1

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để ĐBSCL phát triển bền vững

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông trại 123, tỉnh Đồng Tháp đang sản xuất, cung cấp các sản phẩm trái cây sấy dẻo như tắc sấy dẻo, mãng cầu sấy dẻo, vỏ bưởi sấy dẻo, gừng sấy dẻo cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty cho biết, công ty tập trung tạo ra sản phẩm nâng cao giá trị với quy trình sản xuất khép kín. Ngoài chú trọng đến thương hiệu sản phẩm thì công ty đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, theo ông Viễn để xây dựng và phát triển nông nghiệp xanh đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nên cần được tư vấn, hỗ trợ từ chính quyền, các quỹ đầu tư.

Ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn cũng chia sẻ, công ty đã nghĩ tới việc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và đã tham khảo dự án như sử dụng vỏ sầu riêng thành than sinh học, vỏ cam, vỏ dứa làm nước rửa chén hữu cơ, phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, chỉ có doanh nghiệp lớn, có tiềm năng về tài chính, nhân sự mới thực hiện được, còn những doanh nghiệp khởi nghiệp khó khăn trong thực hiện. Vì vậy cần sự quyết tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, các địa phương để chữ “tuần hoàn” trở thành xu hướng mới, bứt phá cho ngành nông nghiệp ĐBSCL.

“Việc đầu tư hạ tầng cứng như điện, đường, trường, trạm là vấn đề thiết yếu lâu nay, nhưng bối cảnh chuyển đổi xanh kết hợp chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Việc sử dụng các thiết bị và công nghệ để theo dõi độ ẩm, nhiệt độ và dinh dưỡng của đất giúp quản lý hiệu quả hơn lượng nước và phân bón và nhiều mô hình ứng dụng khác là điều rất cần các cấp quan tâm để phân bổ đầu tư hợp lý. Giá trị của việc đầu tư này không chỉ giúp ích cho quá trình quản trị của Nhà nước mà còn cho doanh nghiệp có được những dự báo, những khuyến nghị canh tác và nuôi trồng phù hợp”, ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn nêu rõ.

  •  
  •  
  •  
  •  

chuyen doi xanh, chuyen doi so la xu the tat yeu de Dbscl phat trien ben vung hinh anh 2

Tầm quan trọng của kinh tế xanh, giảm phát thải

Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm sáng tạo, Hậu Giang đang sản xuất ra các sản phẩm thịt, đạm thực vật từ trái mít non, đây là một trong những sản phẩm thuộc về chế biến sâu nhằm nâng cao lại giá trị và tận dụng nguồn phụ phẩm trong quá trình canh tác nông nghiệp ở ĐBSCL. Bà Cao Thị Cẩm Nhung, Giám đốc Công ty cho biết, sứ mệnh của Công ty muốn xây dựng doanh nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, từng bước hướng tới nền kinh tế NetZero. Muốn làm được điều này phải khuyến khích tiêu thụ sản phẩm xanh, chính sách tiêu dùng bền vững.

Theo bà Cao Thị Cẩm Nhung, cơ quan chức năng cần khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm ít tác động đến môi trường như thịt thực vật hay đạm thực vật thay thế. Đồng thời hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tạo điều kiện phát triển chuỗi cung ứng trong nông sản xanh, hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả, giảm chi phí cho các doanh nghiệp và đảm bảo chất lượng nông sản sạch từ nông dân đến người tiêu dùng.

“Thúc đẩy thương hiệu quốc gia cho sản phẩm xanh, các sản phẩm thực phẩm từ mô hình nông nghiệp bền vững như thịt, thực vật từ mít có thể được quảng bá rộng rãi như sản phẩm quốc gia, qua đó thì nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, tạo nên sức hút cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Chính phủ có thể hỗ trợ các khóa đào tạo, hội thảo về công nghệ nông nghiệp bền vững và cách thức sản xuất thực phẩm thay thế, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ xanh từ các quốc gia phát triển”, bà Cao Thị Cẩm Nhung nhấn mạnh.

chuyen doi xanh, chuyen doi so la xu the tat yeu de Dbscl phat trien ben vung hinh anh 3

Nông nghiệp xanh là vô cùng bức thiết

Chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) ông Peter Johnson cho biết, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu, việc sử dụng tài nguyên quá mức dẫn tới phát triển chưa bền vững.

Ông Peter Johnson cũng đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh ở ĐBSCL như: Nông nghiệp chính xác, hệ thống giám sát, phân tích, cơ sở hạ tầng hỗ trợ; tiếp thị kỹ thuật số; xây dựng các giải pháp kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời cho các trang trại nhỏ; chuyển đổi phụ phẩm thực phẩm thành năng lượng hoặc các sản phẩm khác.

Ông Peter Johnson cho rằng, cần sử dụng các công nghệ như AI, IoT và phân tích dữ liệu để cải thiện việc giám sát đất, đánh giá sức khỏe cây trồng và quản lý nước; cung cấp giáo dục và đào tạo để chuyển đổi ngành nông nghiệp ở ĐBSCL.

“Trên quốc tế xu hướng đến nông nghiệp chính xác, quản lý cây trồng theo địa điểm cụ thể, nông nghiệp, môi trường được kiểm soát trong kinh tế tuần hoàn mà chúng ta nói đến ngày hôm nay thì chúng ta cần phải tận dụng tốt hơn những cái nội lực mà chúng ta có. Tiếp theo nữa cách mà chúng ta canh tác rồi chúng ta mua nguyên vật liệu, các xu hướng khác như là kinh tế tuần hoàn, năng lượng sinh học, vật liệu sinh học, robot, cơ giới hóa, chuyển đổi, tất cả những thành tố này đang trở thành những xu hướng mà đang diễn ra trên toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp”, Ông Peter Johnson chia sẻ.

chuyen doi xanh, chuyen doi so la xu the tat yeu de Dbscl phat trien ben vung hinh anh 4

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, kinh tế xanh là xu thế tất yếu để phát triển bền vững

Diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã nêu ra những xu hướng, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh bền vững tại ĐBSCL. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, xu hướng và định hướng kinh tế xanh, bền vững tại ĐBSCL là điều tất yếu để thúc đẩy nhận thức, các mục tiêu đổi mới sáng tạo và tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững cho khu vực ĐBSCL dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực, hiệu quả của cả khu vực công và tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vùng ĐBSCL là một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự suy giảm của các hệ sinh thái tự nhiên. Trước những thách thức nêu trên thì khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề, tạo ra giá trị mới, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

“Đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường thời gian tới đây để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ, dịch vụ hỗ trợ của khu vực ĐBSCL; đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch và đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh, tuần hoàn và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Thông qua diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng đã được phát triển lên một bước, định hướng bền vững trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh, đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ra đời các mô hình mới hiệu quả, thiết thực”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

chuyen doi xanh, chuyen doi so la xu the tat yeu de Dbscl phat trien ben vung hinh anh 5

Mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh bền vững tại ĐBSCL

Lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực ĐBSCL dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả hai khu vực công và tư. Những nội dung của diễn đàn nhằm giúp các startup phát huy vai trò, vị trí, tháo gỡ điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp, công nghệ mới để phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng nhu cầu, đón đầu xu thế phát triển của thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để các tỉnh, thành ĐBSCL có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển mang tính liên vùng.

“Với những xu hướng mới về kinh tế xanh, giảm phát thải cộng với khả năng về mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ, nhưng ưu tiên đầu tư mới về phát triển hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, sự phát triển các đề án, chương trình mới trong nông nghiệp ở ĐBSCL là cơ hội rất lớn để tạo việc làm và đặc biệt có nhiều cơ hội để thúc đẩy khởi nghiệp. Các lĩnh vực về nông nghiệp xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái đều là những lĩnh vực rất tiềm năng cho khởi nghiệp cho ĐBSCL trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Trần Thanh Nam thông tin.

chuyen doi xanh, chuyen doi so la xu the tat yeu de Dbscl phat trien ben vung hinh anh 6

Mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh bền vững tại ĐBSCL

Với sự cam kết của các địa phương vùng ĐBSCL về thúc đẩy các mục tiêu nông nghiệp hiện đại, phát thải thấp, đẩy mạnh hợp tác công tư để góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh. Những thông điệp được truyền đi khẳng định chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để ĐBSCL phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Nguồn: VOV