Quay lại

Chuẩn bị cho “sân chơi” thuế tối thiểu toàn cầu

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là “thuế tối thiểu toàn cầu”) là một trong hai trụ cột chính của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận.

Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. OECD dự tính với việc áp dụng trụ cột 2, tổng nguồn thu thuế toàn cầu từ các công ty đa quốc gia sẽ tăng lên 220 tỷ USD.

NGUY CƠ HỤT THU HÀNG CHỤC NGHÌN TỶ ĐỒNG TIỀN THUẾ
Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2024. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ra nhiều mối lo về xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia cũng như chiến lược thu hút FDI nếu chậm chân ứng phó.

Được coi là “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư FDI, thậm chí giữa đỉnh điểm đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng là tín hiệu vô cùng tích cực, với trên 36.000 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng thời gian qua bởi Việt Nam triển khai nhiều chính sách thuế ưu đãi, trong đó chính sách miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất cạnh tranh, có thể miễn thuế đến 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, cùng các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn...

Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn...

Chỉ với hơn 300 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, lên tới khoảng 131,3 tỷ USD. Đây được coi là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, kèm theo đó là hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ đi theo sẽ bị ảnh hưởng nếu các tập đoàn này điều chỉnh chính sách đầu tư.

Về số thu ngân sách nhà nước, trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 18 - 21% tổng số thu ngân sách nội địa.

Trong đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39 - 41% tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Cũng theo tính toán của Tổng cục Thuế, trong tổng số thu ngân sách nội địa, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 7,5 - 8,5%.

Theo thông tin thống kê sơ bộ của Tổng cục Thuế từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu, hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có khoảng trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024.

Lấy theo số liệu thống kê năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán các doanh nghiệp FDI đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng trên 110.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, số thuế bị tác động các nước phát triển truy thu khoảng từ 12.000 - 30.000 tỷ đồng.

Lựa chọn “làm tổ” ở Việt Nam và liên tục triển khai các hoạt động đầu tư với con số lũy kế lên tới 20 tỷ USD nhiều năm qua, lãnh đạo một doanh nghiệp “đại bàng” FDI, khẳng định trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn giảm thuế của Việt Nam không chỉ mất phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bởi lẽ các công ty đang được hưởng ưu đãi của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết khi thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, đơn vị sẽ phải nộp bổ sung số thuế 6,5 tỷ USD cho toàn thời gian của dự án triển khai tại Việt Nam.

Rõ ràng, điều này sẽ làm tăng gánh nặng tài chính về thuế với những “ông lớn” FDI và làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Thậm chí, chính sách này đẩy các doanh nghiệp đa quốc gia đứng trước “ngã ba đường”, phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất đầu tư và thậm chí có thể “rời tổ” khỏi Việt Nam.

Như vậy, khi các biện pháp ưu đãi thuế không còn nhiều tác dụng sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đến việc thu hút đầu tư mới và môi trường đầu tư của Việt Nam.

GIỮ "ĐẠI BÀNG" Ở LẠI VIỆT NAM
Trước những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cũng khẳng định nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn.

Đồng thời, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn và mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.

Cùng với đó, “trong trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó”, ông Minh lưu ý...

Nguồn: TBKTVN