Quay lại

Chính sách tiền tệ toàn cầu đang phân ly thế nào?

Tuần này, lãnh đạo các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ hội tụ về hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một trong những diễn đàn kinh tế quan trọng nhất hàng năm. Tại sự kiện này, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ nhận thấy đường đi của họ phân ly ở mức độ chưa từng thấy kể từ trước đại dịch Covid-19.

Theo hãng tin Bloomberg, trong suốt nhiều năm, Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển khác đã đưa ra đánh giá kinh tế và hành động chính sách tương đối đồng nhất. Khi Covid trở thành đại dịch, các ngân hàng trung ương này đồng loạt hạ lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế. Khi biết chắc lạm phát không phải là một vấn đề tạm thời, họ đã cùng nhau triển khai chiến dịch thắt chặt lãi suất mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ để chống lại sự leo thang của giá cả.

Thậm chí cách đây chưa đầy 1 năm, các sếp ngân hàng trung ương cũng có sự đồng nhất quan điểm khi hội tụ tại hội nghị thường niên của ECB ở Sintra, Bồ Đào Nha. Tại sự kiện đó, họ đều cho rằng còn nhiều việc phải làm để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. “Chúng ta đều phải chịu những cú sốc chung, ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey nói khi đó.

THẾ KHÓ CỦA CÁC NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Hiện nay, với lạm phát đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn mục tiêu 2%, giữa các ngân hàng trung ương đang có sự khác biệt về quan điểm chính sách. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của mỗi ngân hàng trung ương đều phải cân nhắc giữa một bên là rủi ro áp lực giá cả còn cao với một bên là nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái. Đối với nhà đầu tư, sự cân nhắc này của các ngân hàng trung ương đồng nghĩa một thị trường tài chính có nhiều biến động hơn.

ECB đã bắt đầu giảm lãi suất cách đây hơn 2 tháng, Fed nhiều khả năng đến tháng 9 mới hành động tương tự. BOE đã giảm lãi suất hôm 1/8 nhưng với tỷ lệ sát nút 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống trong bộ phận ra quyết sách. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Michele Bullock tháng này đã đề cập đến ý kiến từ cả hai phía trong cuộc tranh luận về lãi suất, với một bên ủng hộ việc tiếp tục thắt chặt và một bên ủng hộ nới lỏng.

“Tôi ước sao mình có được sự quả quyết của họ”, bà Bullock nói trong cuộc họp báo 6/8 sau khi RBA ra quyết định giữ nguyên lãi suất. Vấn đề nằm ở chỗ “chúng tôi có nhiều dữ liệu cho thấy những gì đã xảy ra trong quá khứ”, nhưng các mô hình kinh tế không thể nắm bắt đầy đủ những gì đang diễn ra trong nền kinh tế - bà nhấn mạnh.

Chủ tịch Fed Jerome Powell - người vào ngày thứ Sáu tuần này sẽ có bài phát biểu tại hội nghị của Fed tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole, bang Wyoming - hồi tháng 7 nói rằng “các nhà dự báo liên tục cảm thấy bất ngờ”.

Chủ đề năm nay của hội nghị Jackson Hole - được đăng cai bởi Fed chi nhánh Kansas - là “đánh giá lại” hiệu quả của chính sách và sự truyền dẫn của chính sách trong nền kinh tế. Sự kiện thường niên này thường có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhất đến từ các ngân hàng trung ương lớn nhất trên thế giới và giúp định hình kỳ vọng của giới đầu tư về chính sách tiền tệ.

Giữa lúc nền kinh tế Mỹ phát đi những tín hiệu trái chiều - gồm báo cáo việc làm tháng 7 xấu hơn nhiều so với dự báo nhưng doanh thu bán lẻ tháng 7 lại khả quan vượt trội so với kỳ vọng - việc xác định một thời điểm hợp lý để hạ lãi suất và mức độ giảm của lãi suất càng trở nên khó khăn hơn. Điều này được phản ánh rõ trên thị trường lãi suất tương lai trước thềm hội nghị ở Jackson Hole.

Sau khi báo cáo việc làm tháng 7 được công bố, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên và gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường chứng khoán, các nhà giao dịch đã đặt nhiều vào khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Nhưng hiện tại, thị trường đang nghiêng về khả năng Fed chỉ khởi động chu kỳ giảm lãi suất vào tháng 9 bằng mức giảm 0,25 điểm phần trăm.

HÀNH ĐỘNG BẤT NGỜ VÀ NHỮNG BẤT ĐỊNH

Một ví dụ khác về những bấp bênh mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt hiện nay đến từ New Zealand vào tuần trước. Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) đã khiến giới quan sát sửng sốt khi cắt giảm lãi suất dù cách đây 3 tháng cơ quan này đã phát tín hiệu phải sang năm 2025 một thời gian mới bắt đầu hạ lãi suất.

Sự dịch chuyển bất ngờ của RBNZ “đặt ra những câu hỏi lớn về đánh giá của ngân hàng trung ương này về nền kinh tế và các dự báo của họ, và thực lòng mà nói khiến cho việc tin tưởng vào các đánh giá của họ trở nên khó hơn. Sự thay đổi liên tục của quan điểm cũng đồng nghĩa rằng không ai dám chắc việc gì sẽ diễn ra tiếp theo”, nhà kinh tế Brad Olsen thuộc tổ chức nghiên cứu Infometrics ở Wellington phát biểu.

Giới chức RBNZ ra sức bảo vệ hành động của mình, nói rằng họ đang phản ứng với những thông tin và dữ liệu mà họ có được. Thống đốc Adrian Orr sau đó nói rằng các động thái từ nay trở đi sẽ “cẩn trọng” và “được tính toán kỹ lưỡng”.

Động thái gây bất ngờ của RBNZ diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đột nhiên điều chỉnh thông điệp. Hôm 31/7, BOJ gây ngạc nhiên khi tăng lãi suất 0,15 điểm phần trăm và phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Đến ngày 7/8, sau khi thị trường chứng khoán bán tháo và đồng yên tăng giá dữ dội, BOJ phát đi một thông điệp rất mềm mỏng bằng cách cam kết tránh tăng lãi suất khi thị trường còn chưa ổn định.

Tại châu Âu, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cũng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, với dữ liệu giá cả gần đây cho thấy lạm phát tại khu vực đồng euro bất ngờ tăng lên mức 2,6% trong khi tăng trưởng kinh tế yếu hơn so với kỳ vọng. Giới chức ECB dự báo lạm phát sẽ giảm về mục tiêu 2% vào cuối năm 2025, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng mức độ bất định là cao.

Một số quan chức châu Âu, bao gồm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras, cho rằng tăng trưởng kinh tế yếu ớt là bằng chứng cho thấy sự cần thiết phải nới lỏng chính sách thêm nữa. Trong khi đó, một số khác lại nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn còn dai dẳng. “Chúng ta vẫn cần cảnh giác”, bà Isabel Schnabel - một thành viên Hội đồng Điều hành ECB - nhận đình hồi cuối tháng 7.

Thị trường đang đặt cược nhiều vào khả năng ECB giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, và khả năng 50-50 sẽ có thêm một đợt giảm nữa.

Kết quả bỏ phiếu phản ánh sự chia rẽ lớn trong Ủy ban Chính sách tiền tệ BOE vào đầu tháng này đã cho thấy Thống đốc Bailey mâu thuẫn với nhà kinh tế trưởng của BOE là ông Huw Pill - người bỏ phiếu chống lại việc giảm lãi suất.

Sau cuộc họp, ông Bailey nói các quan chức giữ vai trò thiết lập lãi suất tại BOE còn chưa chắc chắn về việc nền kinh tế sẽ đi theo kịch bản nào và có quan điểm khác nhau về khả năng trở thành hiện thực của mỗi kịch bản. Đó là các kịch bản từ áp lực giá cả trong nền kinh tế đã giảm bớt, cho tới giá cả và tiền lương đã có sự thay đổi vĩnh viễn đòi hỏi phải duy trì chính sách thắt chặt lâu hơn. Do mức độ bấp bênh lớn, BOE phải đặt ra nhiều kịch bản khác nhau - theo vị Thống đốc.

Nói cách khác, điều duy nhất mà có lẽ tất cả các ngân hàng trung ương có thể nhất trí với nhau ở thời điểm này là sự bất định.

Nguồn: TBKTVN