Quay lại

Châu Á gặp thách thức lớn khi đồng đô la Mỹ mạnh lên

Áp lực lạm phát nhập khẩu gia tăng

Mặc dù về nguyên tắc, một loại tiền tệ rẻ hơn có thể giúp hàng xuất khẩu cạnh tranh hơn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa áp thuế. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng, các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ cần đánh giá tác động của nó đối với lạm phát nhập khẩu và tránh các khoản cược đầu cơ vào sự suy yếu kéo dài của đồng tiền của họ bởi điều này có thể làm phức tạp quá trình hoạch định chính sách.

Đồng đô la Mỹ đã tăng giá mạnh kể từ khi ông Trump giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Cụ thể, đồng bạc xanh tăng giá khoảng 5,39% kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024.

Một phần lý do đằng sau hiện tượng đồng đô la Mỹ mạnh lên là các chính sách mà ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, bao gồm áp dụng thuế quan mạnh tay và cắt giảm thuế - hai nhân tố được các nhà kinh tế cho là gây ra lạm phát.

Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 12/2024 vừa được công bố ngày 8/1, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bày tỏ lo ngại về lạm phát và tác động mà các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra. Biên bản cũng chỉ ra rằng Fed sẽ hành động chậm hơn trong việc cắt giảm lãi suất trong tình hình bất định.

Việc đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ của Fed đã nới rộng khoảng cách lợi suất giữa trái phiếu Mỹ và một số trái phiếu châu Á.

Chênh lệch lợi suất này đã làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản có lợi suất thấp hơn, khiến các loại tiền tệ chính của châu Á trượt giá và hối thúc một số ngân hàng trung ương như Nhật Bản và Ấn Độ can thiệp chính sách.

Ông James Ooi, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới trực tuyến Tiger Brokers cho rằng đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ khiến các ngân hàng trung ương châu Á khó quản lý nền kinh tế của họ hơn.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể "gây ra thách thức cho các ngân hàng trung ương châu Á bằng cách gia tăng áp lực lạm phát thông qua chi phí nhập khẩu cao hơn và làm căng thẳng dự trữ ngoại hối của [các ngân hàng trung ương] nếu họ cố gắng hỗ trợ đồng tiền của mình thông qua các biện pháp can thiệp", ông Ooi bình luận với đài CNBC.

Chiến lược gia của Tiger Brokers lưu ý thêm: "Nếu một quốc gia đang vật lộn với lạm phát cao và đồng tiền mất giá, việc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế có thể phản tác dụng".

Đồng nhân dân tệ rớt giá sâu nhất 16 tháng

Đồng nhân dân tệ giao dịch nội địa của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng qua khi giao dịch ở 1 USD đổi 7,3361 CNY vào ngày 7/1. Thật vậy, đồng tiền của Trung Quốc đang chịu áp lực từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và đồng đô la Mỹ mạnh hơn.

Đồng nhân dân tệ yếu hơn, về mặt lý thuyết, sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh hơn và kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Thế nhưng, bà Lorraine Tan, giám đốc nghiên cứu vốn chủ sở hữu khu vực châu Á tại Morningstar, cho rằng đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ hạn chế khả năng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất mà không gây rủi ro làm tăng dòng vốn chảy ra, cũng như giúp nền kinh tế trong nước có sự linh hoạt hơn về tiền tệ.

Trung Quốc đã phải vật lộn để hỗ trợ nền kinh tế kể từ tháng 9 năm ngoái, với một số biện pháp kích thích đã được đưa ra, bao gồm giảm lãi suất và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán và bất động sản.

Gần đây nhất, Bắc Kinh đã mở rộng chương trình đổi hàng tiêu dùng nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua việc nâng cấp thiết bị và trợ cấp.

"Nói như vậy, thì chính chi tiêu tài khóa cần phải tăng lên để hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc", bà Tan đánh giá.

Quan điểm trên nhận được sự đồng tình của ông Ken Peng, giám đốc chiến lược đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Citi Wealth. Ông Peng cho rằng chính phủ Trung Quốc nên phát hành thêm trái phiếu dài hạn để tài trợ cho các biện pháp kích thích kinh tế, thay vì cắt giảm lãi suất.

"[Trung Quốc] không cần phải thực hiện thêm bất kỳ chính sách tiền tệ nào nữa. Vì vậy, đây không phải là vấn đề của PBoC (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - BTV). Mà là vấn đề của [Bộ] Tài chính", ông Peng nhận định.

Ngoài ra, trong cạnh tranh xuất khẩu, sự suy yếu rõ rệt của đồng nhân dân tệ có thể khiến các nền kinh tế châu Á khác khó khăn hơn trong việc tăng sức hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ của họ đối với người mua nước ngoài.

Báo cáo triển vọng năm 2025 của Citi Wealth có đề cập đến khả năng đồng tiền Trung Quốc mất giá mạnh có thể gây tổn hại đến các nền kinh tế cạnh tranh trực tiếp hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc, chẳng hạn như Hàn Quốc, Đài Loan và các nền kinh tế ở Đông Nam Á.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể tác động đến các mục tiêu của BoJ

Tại Nhật Bản, ngân hàng trung ương nước này đã chi hơn 15.320 tỷ yên (tương đương 97,06 tỷ USD) để hỗ trợ tiền tệ trong suốt năm 2024, sau khi đồng yên vào tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ - 161,96 JPY đổi 1 USD. Hiện, đồng yên giao dịch quanh mức 158 JPY "ăn" 1 USD.

Các quan chức tài chính Nhật Bản đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những "biến động" của đồng yên, gần đây nhất là vào ngày 7/1. Chắc chắn, đồng đô la Mỹ mạnh hơn có thể phần nào tác động đến các mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Sau nhiều thập kỷ vật lộn để giải quyết tình trạng giảm phát, lạm phát ở Nhật Bản đã vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong 32 tháng liên tiếp. Cơ quan tiền tệ Nhật Bản đã thừa nhận rằng đồng yên suy yếu có thể dẫn đến lạm phát nhập khẩu gia tăng.

Thách thức của Nhật Bản sẽ là đảm bảo giá cả và tiền lương không tăng nhanh hơn mức mà cơ quan tiền tệ nước này cho là thoải mái.

Từ Morningstar, bà Tan dự đoán sức mạnh của đồng đô la Mỹ sẽ tạo thêm áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải tăng lãi suất để hỗ trợ đồng yên và giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Hàn Quốc can thiệp hỗ trợ đồng won

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc mới đây đã can thiệp để hỗ trợ đồng won, theo thông tin ngày 6/1 của hãng thông tấn Yonhap. Mặc dù số tiền cụ thể không được tiết lộ, nhưng nó đã đủ để khiến dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Đồng won đã rớt giá dần đều so với đồng đô la Mỹ kể từ chiến thắng bầu cử của ông Trump. Đáng nói, đồng won giao dịch khoảng 1.476 KRW đổi 1 USD trong tháng 12/2024, mức yếu nhất kể từ năm 2009.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dường như ưu tiên kích thích tăng trưởng trong nước mặc dù đồng won đang suy yếu, với động thái bất ngờ cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất trong cuộc họp gần đây nhất vào tháng 11.

"Mặc dù tỷ giá hối đoái biến động đã tăng ... nhưng áp lực tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế đã gia tăng. Do đó, Ủy ban (Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BTV) đã nhận định rằng việc cắt giảm thêm lãi suất cơ bản và giảm thiểu rủi ro suy giảm đối với nền kinh tế là phù hợp", Ủy ban nhận định.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này đã bị lu mờ bởi tình hình bất ổn sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố và sau đó bãi bỏ thiết quân luật vào đầu tháng 12/2024, và sau đó bị luận tội.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 4/12 và cam kết cung cấp "một lượng thanh khoản đủ" cho đến khi thị trường tài chính và ngoại hối ổn định. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến cuối tháng 2.

Trong khi đó, Ấn Độ chứng kiến đồng rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 8/1 khi giao dịch ở mức 85,86 INR đổi 1 USD, do áp lực từ đồng đô la Mỹ mạnh hơn và hoạt động bán ra của các nhà đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài vào tháng 10 và tháng 11.

Ấn Độ đang vật lộn với lạm phát khi chỉ số này đã vượt qua giới hạn trên 6% của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) khi đạt 6,21% vào tháng 10/2024, mặc dù kể từ đó nó đã có chiều hướng giảm.

Lạm phát bùng lên vào thời điểm Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại, với số liệu GDP gần đây nhất đạt 5,4% trong quý tài chính thứ hai kết thúc vào tháng 9/2024. Kết quả này không đạt kỳ vọng và đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý cuối cùng của năm 2022.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất vào tháng 12/2024, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5% trong một quyết định không có sự đồng thuận hoàn toàn bởi hai quan chức thành viên đã bỏ phiếu cắt giảm 25 điểm cơ bản.

Nếu Ấn Độ quyết định cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng - điều này sẽ làm suy yếu đồng rupee - thì Ngân hàng Trung ương Ấn Độ có đủ khả năng để đối phó với tình trạng dòng vốn nước ngoài đột ngột rời thị trường và sự sụt giảm mạnh bất ngờ của đồng rupee.

Citi Wealth nêu trong báo cáo triển vọng năm 2025 rằng "dự trữ ngoại hối lớn của ngân hàng trung ương đã mang lại sự ổn định hơn cho đồng rupee của Ấn Độ".

Ông Peng, giám đốc chiến lược đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Citi Wealth, đánh giá đồng rupee là "một trong những loại tiền tệ ổn định nhất trên toàn cầu". Ngoài ra, đại diện Citi Wealth nhấn mạnh rằng "loại tiền tệ duy nhất ít biến động hơn đồng rupee của Ấn Độ là các loại tiền tệ được neo giá như đô la Hong Kong. Và điều này sẽ mang lại sự an tâm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường này".

Nguồn: Báo Đầu tư