Quay lại

Chanh leo, dứa, dừa, chuối: Tứ trụ trái cây hướng tới mục tiêu tỷ đô

Ngày 18/7/2025, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh leo, chuối, dứa, dừa”, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu trực tiếp và trực tuyến.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện Việt Nam có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, chuối chiếm diện tích 161.000ha, dứa trên 52.000ha, dừa gần 202.000ha và chanh leo hơn 12.000ha. Tất cả đều đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Tuy nhiên, những con số hiện tại cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn so với tiềm năng đó: nếu như dừa đã đạt mốc 1,1 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2024, thì chuối mới đạt 380 triệu USD, chanh leo 222 triệu USD và dứa thậm chí chưa đến 50 triệu USD.

NHỮNG TRÁI CÂY TIỀM NĂNG TỶ USD

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam khẳng định, cả 4 mặt hàng đều có lợi thế tuyệt đối hoặc tương đối, nhưng đang đối mặt với những hạn chế chung: giống cây trồng đơn điệu, thiếu khả năng chống chịu sâu bệnh; vùng nguyên liệu chưa đạt chuẩn; liên kết chuỗi lỏng lẻo; tỷ lệ chế biến còn thấp; thương hiệu quốc gia chưa hình thành; trong khi thị trường vẫn đầy rủi ro và công tác truy xuất nguồn gốc còn nhiều vướng mắc.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết của một “cuộc cách mạng công nghệ” trong lĩnh vực cây ăn quả, nhằm đưa các mặt hàng này lên quy mô xuất khẩu tỷ đô. Theo ông, đây có thể là khởi đầu cho một chương trình lớn cấp quốc gia. Nếu các hiệp hội ngành hàng đồng thuận, Nhà nước sẵn sàng phối hợp thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cấp thiết có một “cuộc cách mạng công nghệ” trong lĩnh vực cây ăn quả.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cấp thiết có một “cuộc cách mạng công nghệ” trong lĩnh vực cây ăn quả.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin rằng Nghị định 88/2025/NĐ-CP và Nghị quyết 193/2025/QH15 đã tháo gỡ nhiều rào cản trong lĩnh vực nghiên cứu giống cây trồng, tạo hành lang pháp lý để các viện, trường tập trung cải tiến giống cây có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao.

Đồng thời, Nghị định 145/2025/NĐ-CP quy định rõ 17 nhiệm vụ cho chính quyền cấp xã trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và cấp mã số vùng trồng. Đây là cơ sở để thúc đẩy liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã trong quản lý chuỗi cung ứng.

"Cùng với định hướng chính sách mạnh mẽ, vai trò điều phối của hiệp hội ngành hàng và sự chủ động từ các doanh nghiệp, nông dân, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu đưa chanh leo, dứa, dừa và chuối trở thành các mặt hàng tỷ đô trong giai đoạn 2026–2027. Một cuộc cách mạng trong sản xuất, công nghệ và quản trị chuỗi giá trị đang được khởi động – hứa hẹn tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp Việt Nam".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

 

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cây dứa là ví dụ điển hình về tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Ông dẫn chứng quy mô thị trường dứa toàn cầu đã đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng bình quân 6,3%/năm.

Trong đó, các thị trường như châu Âu và Bắc Mỹ chiếm đến 50% nhu cầu. Dứa Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm nước dứa cô đặc của DOVECO, đã có mặt tại hơn 50 quốc gia, được đánh giá cao về chất lượng và giá trị thương mại.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, ông Nguyên cho rằng cần một chiến lược phát triển bài bản hơn. Trước hết là mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cải tiến giống, ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, đồng thời đầu tư vào hệ thống thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất. Ông cũng đề xuất các chính sách “cởi trói” đất đai như cổ phần hóa đất công, đấu giá hoặc cho thuê đất để tạo điều kiện phát triển ngành hàng một cách bền vững.

TỪ BÀI HỌC ĐỚN ĐAU ĐẾN ĐỊNH HÌNH LIÊN KẾT CHUỖI

TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh vai trò then chốt của hợp tác xã trong quản lý mã vùng trồng, tổ chức sản xuất và đảm bảo chất lượng. Ông dẫn chứng mô hình tiêu thụ trái cây loại 2 tại TP.HCM và Đà Nẵng, nơi hợp tác xã chủ động mang nông sản từ vùng nguyên liệu lên bán trực tiếp tại khu dân cư, giúp giải phóng hàng tồn, mở rộng thương mại điện tử và nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng ghi nhận những bài học đắt giá. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods, cho biết việc doanh nghiệp thiệt hại tới 200 tỷ đồng sau 7 năm đầu tư vào vùng nguyên liệu dứa vì nông dân phá vỡ hợp đồng để bán ra ngoài với giá cao.

Từ đó, Nafoods chuyển sang mô hình số hóa quản lý 5.000 ha, ký hợp đồng giá sàn có ràng buộc rõ ràng và sẵn sàng chấm dứt hợp tác với hộ vi phạm. Ông Hùng cảnh báo thêm về tình trạng thương lái Trung Quốc núp bóng thu mua tự phát, gây rối loạn thị trường và đề xuất siết chặt quản lý thương nhân ngoại quốc.

Các doanh nhân tham gia toạ đàm tại diễn đàn.

Các doanh nhân tham gia toạ đàm tại diễn đàn.

Về phát triển ngành hàng, nhiều ý kiến kêu gọi khai thác giá trị gia tăng từ các phụ phẩm nông nghiệp. Doanh nhân Võ Quan Huy cho rằng chuối không chỉ là trái cây tươi, mà toàn bộ cây đều có thể chế biến thành thực phẩm, dược liệu, vật liệu sinh học hay phân bón. Tuy nhiên, do thiếu chính sách hỗ trợ chế biến và đầu tư quy mô, các sản phẩm từ chuối hiện vẫn manh mún, chưa phát huy hết tiềm năng.

Trong khi đó, ngành chanh dây đang nổi lên như một điển hình thành công mới. Từ con số 0 cách đây một thập kỷ, hiện giá trị xuất khẩu đã vượt 500 triệu USD/năm. Ông Hùng (Nafoods) đánh giá nếu có quy hoạch và mở cửa thị trường Trung Quốc, ngành có thể đạt ngưỡng 1 tỷ USD.

Với năng suất 40-60 tấn/ha, vượt gấp đôi so với Nam Mỹ, chanh dây tím của Việt Nam đang được ưa chuộng tại châu Âu và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần kiểm soát giống kém chất lượng, dư lượng thuốc BVTV, và sản xuất nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngành hàng chuối cũng được kỳ vọng trở thành trụ cột mới trong chiến lược nông sản xuất khẩu. Theo ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Unifarm, mục tiêu 4 tỷ USD hoàn toàn khả thi nếu toàn ngành thống nhất áp dụng công nghệ cao, quản lý chặt chẽ chất lượng và mở rộng sản xuất quy mô lớn. Doanh nghiệp của ông đang kiên trì triển khai một bộ tiêu chuẩn duy nhất cho toàn bộ chuỗi sản xuất, từ giống đến thị trường, nhằm tạo niềm tin cho đối tác quốc tế.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội và cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh vai trò của số hóa và bản đồ vùng trồng. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết việc xây dựng bản đồ số vùng dừa là cấp thiết để truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị và tín chỉ carbon.

Trong khi đó, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết chanh dây, chuối, dứa và dừa là 4 loại trái cây được ưu tiên phát triển do có tiềm năng xuất khẩu lớn, đặc biệt trong khuôn khổ sáng kiến OCOP quốc tế của FAO.

Những sáng kiến và mô hình tiêu biểu trên cho thấy nếu có chiến lược bài bản, sự đồng hành giữa doanh nghiệp – nông dân – nhà nước, nông sản Việt hoàn toàn có thể vươn tầm quốc tế, không chỉ dừng ở vài trăm triệu USD mà tiến tới hàng tỷ USD xuất khẩu mỗi năm.

NGUỒN: TBKTVN