Quay lại

Ba "ông lớn" Nhật Bản bàn chuyện hợp nhất

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda Motor, Nissan Motor và có thể cả Mitsubishi Motors đã bắt đầu thảo luận về việc hợp nhất trong bối cảnh thị phần của ba thương hiệu này đang tụt hậu so với các đối thủ tại các thị trường mới nổi chủ chốt ở châu Á.

Việc hợp nhất được đề xuất nhằm giúp các hãng xe Nhật Bản cạnh tranh trong một ngành công nghiệp đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ phần mềm và hướng tới các loại động cơ sạch như xe điện và xe hybrid. Theo ông Toshihiro Mibe, Chủ tịch kiêm CEO Honda, kết quả của sự hợp nhất này dự kiến sẽ phát huy ở quy mô toàn diện từ năm 2030 trở đi.

Đến thời điểm đó, Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ ngày càng có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô, khi tốc độ tăng trưởng doanh số ở các thị trường phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản chậm lại.

Theo phân tích dữ liệu doanh số ô tô năm 2024 của Nikkei Asia tại 5 quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ, được cung cấp bởi công ty nghiên cứu MarkLines, Toyota Motor hiện dẫn đầu với thị phần áp đảo tại Indonesia (56%), Thái Lan (39%) và Philippines (47%). Nếu hợp nhất, liên minh Honda-Nissan-Mitsubishi có thể đứng thứ hai tại ba thị trường này với thị phần từ 20-30%.

Việc Mitsubishi tham gia kế hoạch sáp nhập này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của liên minh tại Đông Nam Á, đặc biệt ở Philippines và Việt Nam, nơi hãng lần lượt nắm giữ 19% và 12% thị phần. Ông Takao Kato, Chủ tịch kiêm CEO Mitsubishi Motors, bày tỏ thái độ tích cực đối với việc hợp nhất và nhấn mạnh thế mạnh của Mitsubishi tại ASEAN, đặc biệt là dòng xe bán tải nhỏ gọn.

Trong số ba hãng, chỉ Honda và Mitsubishi đang bán xe tại Việt Nam, với tổng thị phần đạt 19%, nhưng vẫn phải cạnh tranh gay gắt với Hyundai-Kia từ Hàn Quốc, chiếm 30% doanh số xe mới. Ở Malaysia, liên minh chỉ chiếm 13% thị phần so với 44% của hãng nội địa Perodua, và đứng sau các đối thủ quốc tế.

Thách thức lớn nhất của liên minh là phá vỡ sự thống trị của các thương hiệu dẫn đầu tại mỗi quốc gia, đồng thời đối mặt với áp lực từ các hãng xe Trung Quốc đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, nơi căng thẳng với Trung Quốc vẫn hiện hữu, liên minh sẽ có ít cạnh tranh hơn từ các hãng xe Trung Quốc.

Dẫu vậy, để thành công, liên minh sáp nhập này phải tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng Ấn Độ. Trong ba hãng xe, chỉ Honda và Nissan đang kinh doanh tại Ấn Độ, với thị phần kết hợp chỉ 2%.

Theo bà Stephanie Brinley, Giám đốc S&P Global Mobility, hợp nhất sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và phát triển công nghệ mới, nhưng yếu tố cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, ông Sanshiro Fukao, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Itochu, nhận định liên minh có tiềm năng phát triển xe điện nhỏ phù hợp với thị trường châu Á, tương tự xe máy hay xe ba bánh, nhưng cần đẩy nhanh việc ra mắt các dòng xe mới để giành lợi thế trong cuộc đua công nghệ cuối thập kỷ này.

Nguồn Nikkei Asia