Quay lại

Ấn Độ trong cuộc đua giành vị trí “công xưởng của thế giới”

Chỉ Ấn Độ mới có lực lượng lao động và thị trường nội địa đạt quy mô ngang ngửa với Trung Quốc, vì theo số liệu của Liên hợp quốc, Ấn Độ mới đây đã vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới. Các nước phương Tây vốn coi Ấn Độ như một đối tác tự nhiên, Chính phủ ở New Delhi đã có nhiều nỗ lực để tạo dựng một môi trường kinh doanh thân thiện hơn trước.

DOANH NGHIỆP KHÔNG MUỐN “BỎ HẾT TRỨNG VÀO MỘT GIỎ”
Tháng 4 vừa qua, Ấn Độ giành một thắng lợi lớn khi tập đoàn công nghệ Mỹ Apple mở rộng mạnh mẽ hoạt động sản xuất điện thoại iPhone ở nước này, bao gồm tăng sản lượng mẫu smartphone đời mới nhất.

Những dấu hiệu về sự thay đổi của Ấn Độ đang hiện rõ tại những khu công nghiệp rộng lớn ở Sriperumbudur, một thành phố ở bang miền Nam Tamil Nadu. Các nhà sản xuất nước ngoài ở các khu công nghiệp này từ lâu đã sản xuất những mặt hàng như ô tô và thiết bị gia dụng để phục vụ cho thị trường Ấn Độ. Giờ đây, trở thành “hàng xóm” của họ là những công ty đa quốc gia sản xuất đủ mặt hàng từ tấm pin mặt trời và turbine gió cho tới đồ chơi trẻ em và giày dép - tất cả đều có ý muốn tìm kiếm một địa chỉ sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Vào năm 2021, Vestas của Đan Mạch - một trong những nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới - đã xây dựng 2 nhà máy mới ở Sriperumbudur. Hiện tại, sản phẩm là linh kiện turbine gió từ 6 dây chuyền của Vestas ở các nhà máy này được xuất khẩu đi khắp thế giới.

Những dự báo cho rằng Ấn Độ sẽ sớm trở thành thị trường turbine lớn thứ hai thế giới là một động lực khiến Vestas mở rộng sản xuất ở nước này. Tuy nhiên, một lý do nữa nằm ở việc công ty này muốn đa dạng hoá sản xuất khỏi Trung Quốc - nơi Vestas đặt phần lớn hoạt động sản xuất của công ty trong khu vực. Ông Charles McCall, người chịu trách nhiệm giám sát mở rộng Vestas tại Ấn Độ và là Giám đốc cấp cao của Vestas Assembly India, tiết lộ rằng nỗ lực đa dạng hoá khỏi Trung Quốc của công ty đã được đẩy mạnh sau những đợt phong toả lặp đi lặp lại theo chính sách Zero Covid của Trung Quốc. “Chúng tôi không muốn bỏ hết trứng vào một giỏ ở Trung Quốc”, ông McCall nói.

Một số nhà cung cấp của Vestas đã theo chân công ty này. Nhà sản xuất hợp đồng TPI Composites đến từ Mỹ, với sản phẩm chủ lực là những cánh turbine khổng lồ, đã mở rộng mạnh mẽ hoạt động ở Ấn Độ trong khi giảm hoạt động ở Trung Quốc. Ông McCall tiết lộ rằng rốt cục 85% nhà cung cấp của Vestas sẽ có nhà máy tại Ấn Độ.

Trung Quốc vẫn vượt xa bất kỳ quốc gia nào trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu - một vị thế mà quốc gia này đã thiết lập và củng cố nhờ các công ty đa quốc gia đổ xô tới mở nhà máy kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001. Tuy nhiên, một danh sách dài những nhân tố đã thúc đẩy các công ty tìm kiếm một phương án dự phòng.

Đầu tiên phải kể đến chi phí nhân công gia tăng ở Trung Quốc và sức ép của Chính phủ nước này đòi hỏi doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Tiếp đó là thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018, chính sách Zero Covid kéo dài gần 3 năm và giờ đây là việc các chính phủ phương Tây tìm cách phân ly nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc.

Ngoài Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cũng đang cạnh tranh để trở thành phần “+1” trong chiến lược đa dạng hoá sản xuất khỏi Trung Quốc, trong đó nổi lên những “ứng cử viên” tiềm năng như Việt Nam, Mexico, Thái Lan và Malaysia.

ẤN ĐỘ CHUYỂN MÌNH
Ấn Độ vẫn phải giải quyết những vấn đề tồn tại bấy lâu khiến cho nước này khó đạt tới vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lực lượng lao động của Ấn Độ chủ yếu thuộc tầng lớp nghèo và thiếu kỹ năng; hạ tầng còn kém phát triển và môi trường kinh doanh, nhất là các quy chế giám sát, còn nhiều gánh nặng đối với doanh nghiệp. Nền sản xuất của Ấn Độ cũng còn tương đối nhỏ nếu so với quy mô của nền kinh tế nước này.

Sau nhiều thập kỷ gây thất vọng, Ấn Độ đang có những bước tiến. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng chế tạo của Ấn Độ mới chỉ bằng 1/10 so với Trung Quốc, nhưng đã dẫn trước tất cả các nền kinh tế mới nổi khác ngoại trừ Mexico và Việt Nam, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thuộc về xuất khẩu hàng điện tử, với kim ngạch tăng gấp 3 lần kể từ năm 2018, đạt mức 23 tỷ USD trong vòng 1 năm tính đến cuối tháng 3 năm nay. Ấn Độ đã đi từ chỗ sản xuất 9% số điện thoại thông minh của thế giới vào năm 2016 tới tỷ trọng đạt 19% trong năm nay - theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ đạt bình quân 42 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020-2022, tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 1 thập kỷ, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương nước này.

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố quan hệ hữu nghị “không giới hạn” với Trung Quốc sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Mỹ và các nước đồng minh của Washington đã đẩy mạnh nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thông qua chiến lược tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia có quan hệ địa chính trị tốt (friendshoring), Mỹ “sẽ tăng cường hội nhập với nhiều đối tác thương mại đáng tin cậy, bao gồm Ấn Độ”,  Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 2 năm nay.

Nói về sự đặt cược của các công ty đa quốc gia vào Ấn Độ với tư cách là “Trung Quốc tiếp theo”, Apple là một ví dụ điển hình. Trong vòng 15 năm qua, “Táo khuyết” đã xây dựng một chuỗi cung ứng hiện đại chủ yếu tập trung ở Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm máy tính xách tay, iPhone và phụ kiện. Sự hiện diện của Apple đã giúp ích cho toàn bộ ngành sản xuất của Trung Quốc.

Ấn Độ đang trở thành một địa chỉ sản xuất quan trọng của Apple bên cạnh Trung Quốc.

Ấn Độ đang trở thành một địa chỉ sản xuất quan trọng của Apple bên cạnh Trung Quốc.

Từ năm 2017, Apple bắt đầu lắp ráp các mẫu iPhone cấp thấp ở Ấn Độ. Năm ngoái, hãng bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi mẫu smartphone đời mới nhất và chủ lực này trình làng. Ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase ước tính rằng đến năm 2025, 1/4 toàn bộ sản lượng iPhone sẽ là hàng sản xuất tại Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ hy vọng rằng sự hiện diện của Apple sẽ thu hút các nhà sản xuất khác tới đặt nhà máy ở nước này. “Những công ty giữ vai trò mỏ neo sẽ tạo ra xu hướng. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới các công ty khác ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản”, Bộ trưởng Bộ Công thương Ấn Độ Piyush Goyal nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.

Apple đã khuyến khích các nhà cung cấp của hãng đa dạng hóa khỏi Trung Quốc sau khi nhiều công ty trong số này rơi vào tình trạng gián đoạn sản xuất do phong tỏa chống Covid-19. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị đã tăng lên giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa Bắc Kinh với Đài Loan - nơi đặt trụ sở của Foxconn, nhà sản xuất chính của Apple.

Foxconn dự định mở rộng sản xuất iPhone tại một nhà máy hiện có của công ty ở gần thành phố Chennai của Ấn Độ. Nhà gia công hàng điện tử khổng lồ này đặt mục tiêu tăng sản lượng iPhone tại nhà máy này lên khoảng 20 triệu chiếc vào năm 2024 và tăng gấp khoảng 3 lần số công nhân của nhà máy lên 100.000 người, nguồn thạo tin tiết lộ với Wall Street Journal.

Nguồn: TBKTVN