07 lời khuyên cho quản lý hoạt động logistics để tối ưu hóa lợi nhuận
Ngày nay với rất nhiều yếu tố, logistics trở thành công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC - Global Value Chain) như cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế. Tính hệ thống là yêu cầu căn bản của logistics, vì vậy trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, quản lý logistics trở thành vấn đề “sống còn” đối với các doanh nghiệp.
Để cân bằng sự hài lòng của khách hàng với hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh cải tiến mạnh mẽ việc quản lý hoạt động logistics nhằm đẩy mạnh doanh số, kiểm soát chi phí và tối ưu hóa việc sử dụng tài sản cũng như sự hài lòng của khách hàng. Cần chú trọng các nguyên tắc sau:
1. Cần phân khúc khách hàng dựa trên nhu cầu của họ thành những nhóm riêng biệt, phát triển các danh mục, chương trình quản lý hoạt động logistics và tạo ra các gói dịch vụ trên cơ sở kết hợp các dịch vụ cơ bản cho mọi người với những dịch vụ chuyên biệt nhằm tạo ra sự chọn lựa tốt nhất của từng phân khúc cụ thể. Mục tiêu là phục vụ từng phân khúc này một cách hiệu quả để tối ưu hóa lợi nhuận.
2. Lắng nghe những dấu hiệu của thị trường, dự đoán và lên kế hoạch phù hợp, bảo đảm phân bổ nguồn lực tối ưu. Phải thực hiện quy trình kế hoạch trên cơ sở phân tích tổng hợp, đưa ra các quyết định hoạt động cuối cùng dựa trên tiềm năng lợi nhuận chung.
3. Đẩy nhanh sự thay đổi để thích ứng trong hoạt động logistics, cố gắng tăng khả năng phản ứng với các dấu hiệu của thị trường. Cách tiếp cận này giúp tăng khả năng linh hoạt của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics để đưa ra các quyết định xây dựng thuộc tính của sản phẩm gần hơn với tốc độ thay đổi của cầu trên thị trường.
4. Quản lý hoạt động logistics cũng có nghĩa là “giảm chi phí của khách hàng đem lại lợi nhuận cho chúng ta”.
5. Quản lý hoạt động logistics đòi hỏi sự sáng tạo và linh hoạt trong việc cạnh tranh cho những đơn hàng ngắn hạn hay tham gia vào xây dựng quan hệ hợp đồng dài hạn với đối tác chiến lược, cắt giảm chi phí vận tải bằng việc kết hợp các khách hàng trong việc đàm phán hợp đồng vận chuyển,…
6. Cần xây dựng một hệ thống thông tin đảm bảo giải quyết các giao dịch hàng ngày và thương mại điện tử đồng thời có thể thúc đẩy việc hỗ trợ lập kế hoạch và ra quyết định, hỗ trợ lên kế hoạch tổng thể khi cần hướng tới phân bổ nguồn lực hiệu quả.
7. Trong quản lý hoạt động logistics cần xây dựng hệ thống thước đo thành công một cách tổng hợp hướng tới hiệu quả công việc thông qua những chỉ tiêu: thời gian, chất lượng, giá thành và bổ trợ khác.