Quay lại

Đà hồi phục của đồng yên Nhật đối mặt rủi ro lớn trong tuần này

Kể từ khi bắt đầu cuộc hồi phục vào hôm 11/7 đến nay, đồng yên đã tăng giá khoảng 5% so với đồng USD. Một nguyên nhân của sự đảo chiều từ giảm sang tăng này của đồng yên là việc nhà chức trách Nhật Bản được cho là đã can thiệp vào thị trường ngoại hối sau khi tỷ giá yên giảm xuống mức thấp nhất 38 năm gần 162 yên đổi 1 USD.

Phiên ngày thứ Sáu vừa rồi, đồng yên đã giằng co giữa giảm và tăng trong phiên tại Tokyo và phiên London, sau đó tăng tới 0,5% trong phiên New York, rồi thu hẹp mức tăng khi đóng cửa. Cuối phiên, tỷ giá yên đạt 153,84 yên, hoàn tất tuần giao dịch với mức tăng cả tuần đạt 2,4%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 4.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, một số nhà đầu tư cảnh báo rằng sự phục hồi này của đồng yên là mong manh. Tình trạng mong manh đó đã được phản ánh trong tuần vừa rồi, khi đồng yên nhanh chóng tụt giá sau một pha tăng mạnh vào hôm thứ Năm, sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 2 mạnh hơn dự báo.

Thị trường hoán đổi lãi suất đang đặt cược khả năng chỉ khoảng 45% Ngân hàng Trung ương Nhật tăng lãi suất 0,15 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào ngày 31/7. Tỷ lệ đặt cược này phản ánh sự thận trọng lớn. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, chỉ 30% chuyên gia kinh tế dự báo BOJ tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này, dù 90% cho rằng việc tăng lãi suất là một khả năng.

“Đợt hồi phục này của yên thật điên rồ. BOJ có thể phá hỏng bữa tiệc bằng cách không nâng lãi suất”, nhà giao dịch Nick Twidale của công ty ATFX Global Markets - một người đã giao dịch đồng yên suốt 1/4 thế kỷ - nói với Bloomberg.

Ông Twidale nói nếu BOJ khiến thị trường thất vọng, các nhà giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) - một lực lượng lớn phía sau xu hướng mất giá kéo dài của đồng yên “có thể trỗi dậy báo thù”.

Một số chuyên gia khác, đến từ các công ty quản lý tài sản lớn như BlackRock Inc. hoặc cựu quan chức ngân hàng trung ương, cũng dự báo BOJ có thể “án binh bất động” về lãi suất thêm một thời gian nữa. Hồi tháng 3, BOJ có đợt nâng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, chấm dứt chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay qua đêm của ngân hàng trung ương này vẫn ở mức siêu thấp, chỉ 0-0,1%.

Một vài số liệu kinh tế ảm đạm của Nhật Bản khiến giới quan sát không dám chắc BOJ có thể tiếp tục tăng lãi suất. Một chỉ số đo hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đã tăng trong tháng 7, nhưng thước đo hoạt động sản xuất lại giảm. Tiêu dùng còn yếu khiến BOJ càng khó đưa ra một quyết định nâng lãi suất - nguồn thạo tin cho hay.

“Nếu BOJ không nâng lãi suất, tỷ giá đồng yên so với USD có thể tăng mạnh trở lại”, chiến lược gia Amir Anvarzadeh của công ty Asymmetric Advisors nhận định với hãng tin Bloomberg.

Ông Nathan Swami, trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Citigroup ở Singapore, nhận thấy thu cầu đối với các hợp đồng quyền chọn giá lên đồng yên tiếp tục tăng sau đợt tăng mạnh của tỷ giá yên trong tuần vừa rồi.

“Nhưng còn quá sớm để kết luận đây có phải là một tín hiệu dịch chuyển tâm lý nhà đầu tư trong dài hạn hay không, hay chỉ là một sự dịch chuyển mang tính chiến thuật về vị thế ngắn hạn hoặc hoạt động phòng hộ”, ông Swami nhận xét.

Theo các nhà giao dịch khác, một số nhà giao dịch hiện vẫn đang đứng ngoài thị trường do có nhiều sự bấp bênh về tỷ giá đồng yên trước thềm cuộc họp của BOJ tuần này. Dù vậy nhiều nhà giao dịch đã giảm mạnh vì thế đầu cơ giá xuống đồng yên trong những tuần gần đây.

Theo dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), ở thời điểm ngày 23/7, các nhà giao dịch phi thương mại - bao gồm các quỹ phòng hộ, công ty quản lý tài sản, và các nhà đầu cơ khác - nắm khoảng 8,9 tỷ USD vị thế đặt cược đồng yên mất giá. Đây là lượng bán khống đồng yên ít nhất kể từ giữa tháng 3 và đã giảm từ mức đỉnh hơn 14 tỷ USD ở thời điểm đầu tháng 7.

Theo chuyên gia Rodrigo Catril của ngân hàng National Australia Bank Ltd., nếu BOJ không tăng lãi suất, đồng yên có thể suy yếu về mức 158 yên đổi 1 USD.

Ngay cả khi BOJ có tăng lãi suất tuần này, vẫn có khả năng hoạt động carry-trade sẽ tăng trở lại, vì lãi suất ở Nhật vẫn còn rất thấp so với lãi suất của các nền kinh tế phát triển khác.

Ngoài cuộc họp của BOJ, tuần này còn có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn ra trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư. Fed được dự báo giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Tuy nhiên, nếu Fed phát tín hiệu cứng rắn nào đó khiến khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 giảm xuống, đồng yên có thể lại bị bán tháo.

“Đồng yên có thể kiểm tra ngưỡng 160 yen/USD nếu Fed không phát tín hiệu giảm lãi suất vào tháng 9 và các số liệu kinh tế Mỹ mạnh trở lại”, chiến lược gia trưởng Charu Chanana của công ty Saxo Capital Markets phát biểu.

“Cơn sốt đầu cơ phía sau đợt tăng giá gần đây của đồng yên có vẻ đang giảm nhiệt. Chúng tôi cho rằng thị trường đã đi hơi xa một chút trong việc mua vào đồng yên, vì các số liệu kinh tế nền tảng của Nhật chưa ủng hộ việc BOJ thắt chặt nhanh chóng chinh sách tiền tệ. Sự khác biệt lãi suất sẽ duy trì ngay cả khi Fed bắt đầu giảm lãi suất trong những tháng sắp tới”, chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của công ty Corpay nói với hãng tin Reuters.

Nguồn: TBKTVN